
Xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử mà còn nổi tiếng với nghề làm mái ngói âm dương. Trải qua biết bao thăng trầm, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới và tấm lợp pro xi măng, mái tôn đang thịnh hành. Thế nhưng đến nay, tại vùng đất Bắc Sơn hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương.
Làng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn) là nơi duy nhất còn lưu giữ được nghề làm ngói âm dương (ngói lưu ly) truyền thống – một loại vật liệu được dùng phổ biến trong những ngôi nhà cổ xưa ở vùng cao.
Sở dĩ gọi là ngói âm dương bởi khi lợp ngói, một viên sấp là dương, viên ngửa là âm úp vào nhau, khép kín giúp che mưa, nắng cho ngôi nhà. Ngói âm dương được làm từ đất sét nung. Để làm được một viên ngói âm dương, các công đoạn phải thực hiện thủ công 100%. Công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và cả kinh nghiệm tích lũy lâu dài của cha ông truyền lại cho con cháu.
Ông Dương Công Toàn, 51 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm ngói âm dương. “Bắt đầu từ khâu lấy đất sét từ mỏ về, lọc sỏi đá, ủ đất để có độ dẻo nhất định. Sau đó người thợ phải dùng khuôn được phủ một lớp tro, đúc viên ngói sống. Phơi khô ngói trong khoảng một tuần là bắt đầu cho vào lò nung. Khoảng 2 tuần là thành phẩm”, ông Toàn chia sẻ về quy trình làm ngói âm dương.
Hơn 100 năm qua, nhiều hộ gia đình ở Quỳnh Sơn đã cung cấp ngói âm dương cho cả tỉnh Lạng Sơn và những tỉnh lân cận. Một số khách ở dưới xuôi khi có nhu cầu xây dựng các công trình có mang lối kiến trúc cổ xưa đều tìm về đây để mua loại vật liệu cổ này.
Nhà sàn cổ của người Tày mát mẻ về mùa hạ, ấm cúng khi gió đông về. Mái ngói âm dương có khả năng cách nhiệt rất tốt. Đồng thời, do các viên ngói lợp không khít hoàn toàn nên khả năng tản nhiệt khi nắng hè chiếu xuống cũng rất hiệu quả.
Là nghề truyền thống nhưng thu nhập từ làm ngói âm dương không cao, khiến cho số hộ bám trụ với nghề ngày càng giảm dần. Theo thống kê, hiện làng Quỳnh Sơn chỉ còn hơn 50 hộ dân đang duy trì nghề truyền thống này. Với họ, chỉ cần lửa còn cháy, thì đam mê với viên ngói âm dương sẽ không bao giờ tàn lụi.